Hiện nay, số thu từ thuế môn bài vào khoảng 1.700 tỉ đồng. Bộ Tài chínhdự kiến sau khi tăng thuế này và chuyển tên gọi thành “lệ phí môn bài” thì số thu sẽ đạt 2.685 tỉ đồng. Như vậy, tổng số thuế sẽ tăng gấp rưỡi.
Hiện tại, thuế môn bài mà doanh nghiệp đóng có mức từ 3 triệu đồng, 2 triệu đồng, 1,5 triệu đồng, 1 triệu đồng.
Theo dự thảo của Bộ Tài chính công bố ngày 11-3 thì mức thu sẽ thay đổi như sau: Đối với doanh nghiệp có bốn mức: 10 triệu đồng (nếu vốn đăng ký trên 100 tỉ đồng); 5 triệu đồng (Vốn đăng ký từ 10 tỉ đến 100 tỉ đồng); 3 triệu đồng (bằng mức cao nhất hiện nay, áp dụng khi doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỉ đồng). Các chi nhánh, các cửa hàng trực thuộc nộp thuế ở mức 2 triệu đồng.
Như vậy, nhìn chung là thuế môn bài sẽ tăng khoảng gấp ba so với hiện hành.
Hiện nay, hộ cá thể kinh doanh nộp thuế môn bài theo sáu mức: 1 triệu đồng, 750.000 đồng, 500.000 đồng, 300.000 đồng, 100.000 đồng, 50.000 đồng.
Theo dự thảo, cá nhân kinh doanh, hộ cá thể kinh doanh có doanh thu trên 300 triệu đồng/năm: nộp thuế 1 triệu đồng; Doanh thu từ 100 đến 300 triệu đồng/năm: nộp thuế 300.000 đồng.
Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không thuộc đối tượng nộp lệ phí. Theo tờ trình của Bộ Tài chính thì Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định cá nhân có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó theo bậc môn bài hiện hành hộ kinh doanhcó thu nhập 300.000 đồng cũng phải nộp thuế môn bài. Như vậy việc phân bậc môn bài hiện hành của hộ kinh doanh không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó mà không thu thuế môn bài với hộ có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm.
Việc tăng thuế môn bài, theo Bộ Tài chính là cần thiết vì mức môn bài hiện hành khi xây dựng căn cứ theo mức lương tối thiểu năm 2002 là 290.000 đồng/tháng. Hiện nay, mức lương tối thiểu đã lên 1.150.000 đồng (từ 1-5-2016 lên mức 1.210.000 đồng). Do đó việc xác định bậc thuế môn bài hiện nay không phù hợp với sự thay đổi của tiền lương.
Theo Quỳnh Như: Pháp luật Hồ Chí Minh